Hành trang không thể thiếu cho Phật tử bắt đầu tu tập theo Đạo Phật

Phật giáo là giáo lý của Đức Phật. Đạo Phật là con đường thực hành theo giáo lý đó. Xưa nay có kinh sách của nhiều nhánh phái bàn luận về hai đề tài giáo lý và thực hành. Phật tử thường thấy kinh sách quá mênh mông. Họ thấy khó mà nắm bắt hết được giáo pháp và thực hành trong  một  đời  sống hữu hạn ngắn ngủi. Nhiều người cho rằng cần nhiều kiếp mới hiểu (ngộ) được hết Phật Pháp và thực hành hết được con đường đạo Phật?

Các truyền thống (nhánh phái) lại truyền dạy khác nhau ít nhiều, có khi khác hẳn, trong khi mỗi chỗ đều cho mình là đạo Phật chính quy. Ở Việt Nam có ba nhóm (phái) đạo Phật chính là nhóm Tịnh Độ, nhóm Thiền Tông của Đại Thừa và nhóm Phật giáo Nguyên thủy.

Nhánh Tịnh Độ Tông chủ trương việc tôn kính Đức Phật A-Di-Đà, thực hành việc tụng kinh, niệm Phật với tâm nguyện được Phật A-Di-Đà dẫn độ về cõi Tịnh Độ sau khi chết. Thường được gọi là pháp môn tụng kinh niệm Phật.

Nhánh Thiền Tông chủ trương về thiền tập theo Thiền Tông Trung Hoa do ngài Bồ-Đề Đạt-Ma lập ra. Thiền Tông Việt Nam hiện nay là sự kết hợp giữa truyền thống này và dòng thiền Việt Nam (Trúc Lâm) do vua Trần Nhân Tông sáng lập, và đã được khôi phục trong mấy chục năm nay bởi hòa thượng Thích Thanh Từ.

Nhánh Phật giáo Nguyên  thủy (Nam Tông) cũng chủ trương tu thiền. Họ thực hành theo truyền thống nguyên thủy có từ thời Đức Phật và dựa vào kinh điển của Trưởng Lão Bộ (Theravada), giống như ở các nước Nam Á (như Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cam-pu-chia).

Các Phật tử có thể chọn một cách thực hành để theo, tùy theo hoàn cảnh và cơ duyên của mình.

Thật ra cái nào cũng cần thiết đối với người Phật tử mới tu học. Học hiểu và tìm ra những lẽ thật và hướng dẫn thực dụng mà Đức Phật đã dạy. Học để có sự hiểu biết. Nhưng cái hiểu biết (tri kiến) thông thường chỉ dừng lại ở đó. Cần phải có thực hành để thực sự hiểu biết những lẽ thật đó bằng sự trải nghiệm trực tiếp. Đó là tự mình “thấy biết” những bản chất của sự sống “đúng như chúng là”.

– Trở lại vấn đề câu hỏi, rốt cuộc người mới tu học phải làm thế nào?. Chúng ta thấy đường đi trung-đạo mà Phật đã nói từ ngày đầu. Không thiên về một cực đoan nào vì mỗi cực đoan sẽ  không  mang lại sự hài hòa và hiệu quả. Tương tự, không  nên chủ trương ôn luyện ‘giáo lý thâm sâu’ trước, cũng không nên chủ trương ‘chỉ thực hành’. Phật tử mới tu học nên học hiểu  giáo lý  một cách căn  bản và cùng lúc thực hành giáo lý đó.

– Không phải cứ ôn luyện, thuộc lòng và tụng đọc tất cả kinh kệ Phật giáo là một người nắm vững (giác ngộ) đạo Phật. Phật giáo chỉ là vô dụng nếu Phật cố thuyết giảng những gì chỉ để người đời sau ngồi ê a đọc tụng lại (như thể cho Đức Phật nghe  lại) mà chẳng ứng dụng được gì!. Rồi cứ bám vào kinh kệ như con mọt sách, rồi thất vọng rồi tự phán thán rằng ‘Phật Pháp thì vô biên’ hay ‘vô cùng’ gì đó.

Thực ra Phật Pháp không phải là vô biên. Phật Pháp là những lẽ thật, là cái có thể thấy được ngay trong từng hành vi nhỏ nhặt của con người. Ví dụ ai cũng thấy rằng mình chửi người ta thì thường bị người ta chửi lại. Đó là quy luật nhân-quả. Mình chửi là nguyên nhân, và kết quả là bị người ta chửi lại. Câu nói ‘Phật Pháp vô biên’ chắc có nghĩa là những lẽ thật trong giáo lý Đức Phật (cũng giống như khoa học) là bao trùm khắp nơi, mọi sự, vạn  vật, ngay cả trong từng hành động, suy nghĩ của mỗi người.

Tuy nhiên, cũng không phải cứ đến chùa Quy Y rồi về tu hành gì gì đó tại gia, ngồi tu hoài, làm đủ thứ Phật sự, thực hành đủ thứ cách liên tục…là thực hành đúng đạo Phật.

Hoặc cũng không phải cứ cạo đầu đi tu rồi cứ ngồi nhắm mắt như tượng hay úp mặt vô vách năm mười năm nhịn đói là đắc đạo, là ‘kiến tánh thành Phật’. Không phải bỏ qua giáo lý (ngược với người chủ trương giáo lý thâm sâu) là tu hành ‘đích thực’.

+ Người muốn tu theo Phật thì phải có bước đầu học Phật giáo, tự học, hay được các sư thầy giảng dạy. Học một cách nghiêm túc, suy nghiệm, tìm hiểu, đối chứng thực tế, so sánh với khoa học, so sánh với lẽ thật thế gian (trạch pháp). Kinh điển thì rất đồ sộ, người ta tính sao đó nên nói là Phật nói đến 84 ngàn phương cách (pháp  môn) để “đối trị 84 ngàn loại bệnh khổ và phiền não của chúng sinh”…Có thể là như vậy, nếu bỏ công thống kê.

Tuy nhiên, những điều Phật muốn dạy chỉ gói gọn trong một số quy luật, triết lý… nhằm giúp cho con người học và có được phương tiện để hiểu biết, và từ đó chọn cho mình cách thực hành. Mục tiêu là là ngăn-phòng, loại-bỏ, và dẫn đến chấm dứt mọi sự khổ (dukkha).

Vì vậy, lời khuyên của bậc chân tu là các bạn nên bắt đầu học hỏi giáo lý Phật giáo trước:

Bắt đầu từ lý do tại sao có Phật giáo, nguyên nhân của Phật giáo là lẽ thật về bản chất “khổ” của mọi sự sống, lẽ tạm bợ của kiếp người  không ai tránh được; rồi tìm xem nguồn gốc của nó và loại bỏ nó (Tứ Diệu Đế); Cách nào để loại bỏ nó (con đường Bát Chánh Đạo); Rồi cách nào thực hành con đường Bát Chánh Đạo đó để dẫn đến giải thoát khổ? Con đường đó chỉ rõ rằng phải bắt đầu sống theo giới đạo đức (Giới Hạnh), phải là biết tôn trọng đạo đức, luân thường đạo lý căn bản rồi mới nói chuyện tu hành trí tuệ. Sau đó phải thực hành việc buông bỏ, cho đi, giúp đỡ, tốt bụng, lòng rộng lượng (Bố Thí), thực hành việc tu dưỡng tâm (Thiền). Ba mảng này đều là nền tảng cho việc tu dưỡng tâm. Chính tâm (thức) mang nghiệp tốt hay xấu sẽ dẫn đến tái sinh tốt hay xấu.

Rồi đến khi tâm của một người đã được trong sạch, người ấy có thể bước vào dòng thánh đạo bất thối chuyển (nhập lưu, đắc đạo). Và cho đến  khi tâm của một người hoàn toàn được trong sạch, thì người ấy đạt đến sự giác ngộ hoàn toàn, không còn tái sinh, giải thoát hoàn toàn, trở thành bậc giải thoát A-la-hán, thành Phật… Đó “phần thưởng” cao nhất của con đường tu hành.

Nhưng để có được sự hiểu biết đúng đắn để thực hành Bát Chánh Đạo, thì Phật tử cũng học hiểu những triết lý rất hay của Phật về nguyên lý vận hành sự sống: triết lý Duyên Khởi, quy luật Nghiệp, Chết và Tái Sinh, Vô Ngã…Đó là những điều Phật đã dạy. Và chúng ta học lời Phật dạy chính là học về chính cuộc đời mình, về chính sự sống của mình!. Giáo lý Phật giáo là để giúp cho con người hiểu và để thực hành.

Khi có sự hiểu biết căn bản, Phật tử dễ dàng thực hành, tu sửa tâm tính, tu chỉnh ba nghiệp (ý nghĩ, lời nói, hành động) để tạo nghiệp thiện; nghiệp thiện tích lũy giúp cho việc tu dưỡng tâm (thiền tập) để giúp tạo tâm thiện. Tâm thiện tạo thức thiện. Thức thiện đi tái sinh ở những cõi lành. Thức toàn-thiện thì không còn dính dục vọng ô  nhiễm nên không còn tái sinh, được giải thoát hoàn toàn. Bởi vì, cái để “gây ra” tái sinh chính là những thức bất thiện chứa ô nhiễm vì dục vọng về khoái lạc giác quan, dục vọng vì muốn được sống tiếp…

Thực hành đạo Phật là sống theo Bát Chánh Đạo. Tuy nhiên, bạn đừng quá cố học thuộc lòng lý thuyết Bát Chánh Đạo một cách máy móc. Đừng quá bám chặt vào nó, vì không có giáo trình hay bài bản nào có thể áp dụng hết được cho hàng tỷ người khác nhau. Bạn cứ sống tự nhiên, sống bình thường  là theo đúng đạo rồi. Cũng không phải làm theo thứ tự các bước của Bát Chánh Đạo mới là đúng đạo đâu. Nó là con đường tám-phần chứ không phải con đường gồm tám-bước. Cũng không phải làm cùng  lúc hết tám phần đó. Chỉ cần làm đúng những phần này thì tự nhiên các phần kia sẽ đúng đắn theo. Tất cả các phần đều liên quan và hữu cơ lẫn nhau.

Nghe thấy có lý, nhưng thực hành làm sao mới có hiệu quả vì mỗi giờ, mỗi ngày, mỗi cuộc đời, mỗi hoàn cảnh…có hàng trăm thứ phải lo để liên tục sự sống, còn đâu mà nghĩ đến những  phần thực hành đó. Thực ra, đạo Phật là đơn giản, dễ hiểu, dễ làm, có kết quả liền, tạo tâm hướng thiện, hướng thượng. Vấn đề là bạn ‘bám’ vào đâu, bạn nắm bắt được cái gì sau khi đọc nhiều kinh sách, nghe nhiều giảng dạy?. Thực ra, bạn chỉ cần nhớ đến “Tâm” mình là được. Mọi chuyện là tâm, là do tâm, mọi sự đều do “tâm dẫn dắt, do tâm điều khiển, do tâm tạo tác”.

Trong nhiều kinh, Phật thường chỉ dạy cách “đóng cửa” (ngăn phòng) các giác quan (căn) của con người. Thường thì trong một bài kinh, Phật không nói về những gì quá cao siêu, khó tưởng hay không tưởng, mà chỉ là những hướng dẫn rõ ràng…để cuối cùng tuyên thuyết một cách thực hành mà Phật cam đoan mang lại ích lợi cho người làm theo.

Thực vậy, dù bạn có nghiên cứu Phật giáo thâm sâu đến đâu, hay dù cho bạn cố gắng thực hành đạo Phật đến đâu mà tâm không được phòng hộ, tâm không được “chú ý” từng giây phút thì cũng không được gì. Cốt lõi vấn đề đạo Phật là nằm chỗ đó!. Chỗ này là chỗ trực chỉ dễ áp dụng, nhưng cũng là chỗ khó nhất, vì nếu bạn cố áp dụng thì thường bị “dính danh (dính ý đồ tâm) thì có thể trở thành một cách làm cho tâm bị ô nhiễm và bất thiện ngay lúc đang làm thiện, ngay lúc đang thực hành việc phòng hộ và tu dưỡng tâm.

Vậy hãy để tâm tự nhiên, mọi sự bạn cần làm chỉ là phòng hộ cho nó. Phòng chặn những tâm xấu chưa khởi lên, loại trừ những tâm xấu đã có mặt trong tâm, và tu dưỡng những tâm tố đã có mặt. Đó là phương pháp của Đức Phật!. Đó là tu hành. Bạn cứ tu tập như vậy, không cần nghĩ đến việc to tát như kiểu ‘triển khai’ đường lối, pháp môn, bí quyết, kỹ thuật, bài bản…tu tập nào cả. Vì cho dù bạn có thực hành cao siêu đến đâu đi nữa, tâm vẫn  hiển  hiện từng giây, luôn luôn hiển hiện, và chỉ có bạn biết được là tâm mình sạch hay không sạch, thiện hay bất thiện, trong từng giây phút.

Ngài Xá-lợi-phất đã từng nói ý: “Nếu một tu sĩ ẩn dật tu hành trong rừng núi yên tĩnh nhưng tâm người đó không trong sạch, thì cũng chẳng có gì là hay ho hơn một người bìn  thường đang sống ở phố chợ náo nhiệt nhưng có tâm trong sạch hơn.” Áo cà sa không làm nên thầy tu. Pháp môn, bài bản hay bí quyết giáo phái hay sự nổi tiếng của một sư phụ hay của một ngôi chùa… không phải luôn tạo nên những bậc chân tu. Chỉ có tâm  trong sạch biến một kẻ phàm phu thành một vị Phật!.

Như Phật cũng đã dạy đơn giản: Hãy để ý đến  tâm mình, và “Giữ cho tâm trong sạch”, bằng cách “Làm những việc thiện tốt” và “Tránh làm việc xấu ác”. “Làm” ở đây bao gồm cả ba nghiệp (hành động, lời nói, và cả ý nghĩ). Chính ý nghĩ (ý hành) mới là tạo tác, tạo nghiệp.

Những phần thánh quả siêu xuất của con đường thánh Đạo có được cũng chỉ là kết  quả của việc tu tập tâm như vậy. Lý của Phật là khi tâm được tu tập trong sạch, thì  tâm sẽ  trở nên sáng tỏ (trí tuệ). Và loại trí tuệ có được tâm được  tu dưỡng là trí tuệ để giải-thoát. Đây là ánh sáng ở cuối con đường hầm, là lối ra nếu chúng ta  đi  theo con đường đạo Phật.

Đạo Phật là một con đường, không phải là giáo điều hay kế hoạch cứng nhắc mà bạn phải o ép làm theo. Hãy bắt đầu với cách nhìn mới về cách thực hành đạo Phật.

Người Phật tử bắt đầu một ngày mới một các bình thường. Bạn bước ra phố chợ, hàng quán với tâm bình thường, với mọi sự bình thường. Bạn cũng đi lại, cũng ăn uống, cũng làm việc. Ví dụ hôm nay ngồi chờ thức ăn sáng sao thấy lâu quá, tâm mình không khởi tâm khó chịu hay bực tức: thức ăn trễ là chuyện bình thường, vì lý do nào đó. Vì bực tức thì mình khổ, và ăn cũng chẳng ngon.  Sáng sớm mà bực tức thì cả ngày dễ bực tức. Tránh được  điều  này, tâm Sân giận không khởi sinh. Tâm sạch và thiện.

Phật tìm ra một phương cách áp dụng đồng thời khác là suy xét (quán niệm, chánh niệm) về tâm, về đối tượng của tâm (pháp) để trừ bỏ tâm  xấu. Sân hận và Tham dục chỉ là do sự  Si mê, ngu dốt, mê lầm. Si là do cái ý niệm mơ hồ  về  một  cái ‘Ta’, ‘Của Ta’ mà ra. (Ai cũng mang ý niệm về cái ‘linh hồn’ của mình cả). Lúc nào cũng có phản xạ bảo vệ và săn tìm cái sung sướng khoái lạc cho cái ‘Ta’ đó, lúc nào cũng sợ mất thứ gì ‘Của Ta’. Ai đụng đến cái ‘Ta’, hoặc thứ gì, hay tư tưởng, quan điểm  nào đó ‘Của Ta’ thì lập tức bảo vệ, phản ứng bằng sân hận, ác cảm. Thấy những thứ như thức ăn ngon, người đẹp gợi tâm sinh dục, xe đẹp, nhà đẹp… (sắc đẹp, tiền tài, danh vọng) mang lại khoái lạc cho thân-tâm, thì lập tức khởi tâm tham dục,  muốn  chiếm lấy, muốn có được, thậm chí nhiều lúc chỉ là trong mơ…Vậy là tâm nhiễm toàn Tham và Sân hai tâm bất thiện và chướng ngại lớn nhất  nhì  đối với việc tu hành.

Cứ bắt đầu lại bằng một ngày bình thường, sống bình thường, hãy để mọi sự xảy ra bình thường, không nhất thiết phải vào chùa hay vô rừng, không nhất thiết phải đến các chùa chiền ‘nổi tiếng’ để lạy lục, lễ nghi, cúng bái sư thầy, mà hãy nên bắt đầu việc phòng-hộ tâm, kiểm-soát và kiềm-chế sáu giác quan. Chính sáu giác quan kích  thích  khởi  lên những tâm bất thiện thuộc nhóm tam độc  Tham,  Sân, Si.

Chỉ có chính mình hiểu rõ tâm mình đang thiện hay đang  bất thiện mà  thôi!. Có hàng tỷ tâm thiện  và bất thiện khởi sinh hàng ngày!.Chính mình kiểm soát giác quan, tạo thói quen (tập khí tốt) và điều  kiện (duyên) giúp khởi sinh tâm tốt thiện, giúp phòng trừ không cho tâm bất thiện khởi sinh.

Làm nhiều việc thiện tạo nhiều thời gian và cơ hội cho tâm hướng thiện, thì sẽ giảm thiểu thời gian và cơ hội để tâm xấu ác khởi sinh. Khi tâm tốt thiện có mặt, thì ba nghiệp (ý nghĩ, hành động và lời nói) theo đó cũng trở nên thiện lành: không còn ăn cắp, không ngoại tình, không nói láo, không nhậu nhẹt, không lừa thầy, phản bạn, bất hiếu, sa đọa, mê mụi… Ngược lại, khi những nghiệp bất thiện này không xảy ra, tâm càng được tu dưỡng trong sạch hơn, mạnh mẽ hơn và sáng tỏ hơn. Lý ở đây cũng dễ hiểu.

Làm cho tâm trong sạch là bước căn bản mà cũng là mục tiêu rốt ráo của đạo Phật. Hãy ghi nhớ điều này mà bắt đầu con đường đạo một cách  đơn giản. Bạn không cần phải thuộc bài về Bát Chánh Đạo, hoặc phải thuộc lòng nhiều kinh  kệ, hoặc phải đi chùa cúng kính, vái lạy liên tục, hoặc phải lập tức xuất gia lên núi, vô rừng thì mới có cơ hội chứng thành một Phật tử chân chính.

Rốt cuộc, đạo Phật là làm cho tâm trong sạch (bằng việc học đạo và tu thiền, học giáo lý và thực hành Giáo Pháp). Mục tiêu của Phật giáo là vậy.

Cầu chúc cho các bạn bước vào con đường của Đức Phật gặp nhiều duyên lành để tu tập tâm hạnh phúc và bình an!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *